Biến chủng BA.4, BA.5 khiến ca nhiễm COVID-19 trở nặng tăng nhanh
Mới đây, ngành y tế TPHCM tầm soát ngẫu nhiên, phát hiện biến chủng BA.4, BA.5 của Omicron trong các ca COVID-19 tại thành phố, trong đó một trường hợp ở Củ Chi và hai ở TP Thủ Đức.
Trường hợp nhiễm biến chủng Omicron BA.4 là hai chị em, 23 tuổi, sống cùng nhà tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Hai bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau đầu, nhức mỏi, có tiếp xúc với mẹ (đã mắc COVID-19) nên tự test nhanh dương tính. Trường hợp thứ ba là bé gái 11 tuổi, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Ngày 20/6, bệnh nhân có triệu chứng sốt khoảng 38,5 độ C, ho, sống cùng với mẹ đã mắc Covid-19 trước đó nên tự test nhanh và có kết quả dương tính. Bệnh nhân được lấy mẫu và gửi đi làm giải trình tự gene virus, xác định nhiễm BA.5. Bệnh nhân được cách ly tại nhà và khử khuẩn nơi ở.
Trước đó, biến thể phụ của Omicron là BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam được cảnh báo có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 làm gia tăng ca nhiễm COVID-19 mới. Ngày 5/7, số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt lên 989 ca, thêm 304 ca so với ngày trước đó.
Mẫu SARS-CoV-2 dưới kính hiển vi. Ảnh: NIAID
Tại bệnh viện tuyến đầu điều trị COVID-19 ở Hà Nội là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho 61 bệnh nhân COVID-19. Trong số này có 18 bệnh nhân nặng, tăng hơn so với tháng 4, 5 và đầu tháng 6. Trong 18 bệnh nhân nặng có 2 ca phải thở oxy mask và 15 ca thở oxy, đều là người có bệnh nền.
Từ giữa tháng 6 đến nay, bệnh nhân COVID-19 ở nhóm người cần đến cơ sở y tế vào nhập viện gia tăng, mỗi ngày khoa tiếp nhận 7-10 bệnh nhân. So với tháng trước, số lượng bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi khiến khoa gần như kín chỗ. Trong số những bệnh nhân nhập viện điều trị, có tới 1/3 ca trở nặng.
Khoa Hồi sức tích cực hiện có 20 giường hồi sức dành cho bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên ở thời điểm này, tại đây đang điều trị cho 17 trường hợp nặng. Nếu so với 1 tháng trước, số bệnh nhân nặng phải vào Khoa Hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi và hầu hết các ca này đều có bệnh nền.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện hiện đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 2 ca phải thở oxy, còn lại là bệnh nhân nhẹ. Các bệnh nhân vào nhập viện chủ yếu là bệnh nền cần phải nằm viện điều trị, không có ca tái nhiễm.
Ghi nhận tại các cơ sở y tế này, hầu như các bệnh nhân COVID-19 vào nhập viện đều tiêm 2 đến 3 mũi vắc xin, chưa có người bệnh nào tiêm mũi 4. Trong khi đó, biến thể phụ của Omicron là BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam có khả năng lây lan rất mạnh, đòi hỏi người dân cần phải tiêm mũi nhắc lại để có được miễn dịch chủ động.
Biến chủng mới của COVID-19 khiến các ca nhiễm trở nặng, gia tăng tại Việt Nam
Các chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh, thời gian qua, số ca bệnh nặng và tử vong giảm sâu là do ca mắc giảm, độ bao phủ vắc xin cao nên bệnh nhẹ hơn. Tuy nhiên, miễn dịch của vắc xin sau 6 tháng sẽ giảm đi, nên người có bệnh nền, người cao tuổi không tiêm vắc xin mũi nhắc lại khi mắc bệnh sẽ nặng hơn. Nếu tăng số ca mắc thì nguy cơ hệ thống y tế quá tải, lúc đó sẽ tăng ca nặng và tăng tử vong.
Do đó, để ứng phó với biến thể phụ BA.5 xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị đẩy nhanh tiêm phòng vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi và tiêm mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tiêm vắc xin mũi bổ sung, mũi tăng cường theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là nhóm cao tuổi, có bệnh nền và người suy giảm miễn dịch để khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.
Khi tiêm mũi 3, mũi 4, vắc xin COVID-19 chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại.
Bộ Y tế đề nghị hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.