Tin Y Tế

Cách phân biệt sốt do COVID-19 và sốt xuất huyết ở trẻ

Trong khi dịch COVID-19 đang có dấu hiệu “hạ nhiệt” thì dịch sốt xuất huyết lại diễn biến phức tạp ở TPHCM và nhiều tỉnh Nam bộ. Hiện nay số ca nhập viện do sốt xuất huyết đang tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia dự đoán rằng sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch, đỉnh dịch rơi vào tuần thứ 25-26 của năm 2022 (khoảng tháng 6-7)[1].

Cả COVID-19 và sốt xuất huyết đều là những căn bệnh truyền nhiễm do virus gây ra với những dấu hiệu phổ biến là sốt, đau đầu, mỏi người và ớn lạnh.[2] Để điều trị hiệu quả khi trẻ bị sốt, bố mẹ nên lưu ý những điều sau đây để phân biệt rõ bệnh COVID-19 và sốt xuất huyết nhé.

Sốt do COVID-19

Trẻ mắc COVID-19 có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo sốt như ho, đau họng, mất vị, mất mùi, tiêu chảy…

Bệnh COVID-19 hay Coronavirus 2019 là một bệnh đường hô hấp do một loại coronavirus có tên là SARS-CoV-2 gây ra. Virus gây ra COVID-19 lây lan chủ yếu qua các giọt bắn đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Hiện nay, chủng Omicron đang lưu hành cộng đồng song song với chủng Delta nên trẻ đã nhiễm rồi hoàn toàn có thể tái nhiễm Delta hoặc nhiễm Omicron. Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng triệu chứng nhẹ nên bố mẹ cần giữ bình tĩnh khi con dương tính và xử trí đúng cách thì sẽ lướt qua bệnh nhẹ nhàng.

Các triệu chứng của COVID-19 có thể xuất hiện từ 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Trẻ bị sốt có thể do mắc COVID-19 nếu kèm theo các triệu chứng khác như: ho, khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau đầu, mất vị, mất mùi, viêm họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn, tiêu chảy…[3]

Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng, bố mẹ lưu ý chỉ nên test COVID-19 khi bắt đầu sốt và lần 2 là 5-7 ngày kể từ ngày bắt đầu sốt. Mặc dù sốt là một vấn đề thường gặp ở tất cả trẻ em, nhưng nhiều bố mẹ xử trí sai khiến bé không hạ sốt được mà lại mệt mỏi hơn. Trong 3-5 ngày đầu sau khi phát hiện dương tính, trẻ sẽ sốt cao liên tục, uống hạ sốt giảm sốt rồi sốt lại. Bố mẹ cần kiên nhẫn để tiếp tục hỗ trợ cho con, không nên lo lắng quá khi thấy bé sốt.[4]

Sốt xuất huyết

Muỗi hoạt động chủ yếu ban ngày, khi hút máu sẽ truyền virus từ người nhiễm sang người lành và gây bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết do một trong bốn loại virus liên quan gây ra: virus Dengue 1, 2, 3 và 4. Một người có thể bị nhiễm virus Dengue nhiều lần trong đời. Virus sốt xuất huyết lây sang người qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốt cùng với bất kỳ dấu hiệu nào sau đây: đau và nhức (đau mắt, đau cơ, khớp hoặc xương), buồn nôn ói mửa, phát ban. Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 2-7 ngày.[5]

Y học hiện đại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết, hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Bác sĩ sẽ điều trị các triệu chứng để tránh diễn tiến nặng có thể xảy ra. Trẻ mắc bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần. Những trường hợp nặng được điều trị chủ yếu bằng cách hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.

Nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả, việc điều trị sốt xuất huyết phải tuân theo phác đồ điều trị chuẩn. Khi xác định dương tính với sốt xuất huyết, trẻ sẽ được kê đơn điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị nội trú tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Bố mẹ lưu ý không tự ý cho trẻ dùng các thuốc giảm đau có nguy cơ tăng biến chứng chảy máu như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium. Trong thời gian này, bác sĩ có thể kê một số thuốc để giảm sốt như Paracetamol. [6]

Bố mẹ cần cho trẻ uống Paracetamol khi sốt cao trên 38 độ C

Dù sốt do COVID-19 hay sốt xuất huyết, mẹ vẫn cần biết cách hạ sốt cho bé, tránh để bé sốt quá cao dễ dẫn đến co giật. Khi cặp nhiệt ở nách là 38,5 độ C nghĩa là con sốt, bố mẹ cần cho trẻ uống paracetamol với khuyến cáo 10-15mg/kg, cách nhau mỗi 4 – 6h/1 lần. Trẻ nên mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, có điện giải càng tốt, nếu trẻ còn bú mẹ thì tăng thêm các cữ bú. Bố mẹ lưu ý không lau mát hay tắm lạnh cho trẻ và đọc kỹ hướng dẫn thuốc hạ sốt trước khi sử dụng.[7]

Sốt xuất huyết và COVID-19 đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em. Vì thế, bố mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để giúp con điều trị và nhanh chóng hồi phục nhé!

Bạn có thể tìm hiểu thêm về việc giảm đau hạ sốt an toàn tại đây. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.


[1] Sức Khỏe & Đời Sống | Năm 2022 sốt xuất huyết có thể trở thành đại dịch?

[2] Viện Huyết Học | Phân biệt sốt xuất huyết và COVID-19

[3] CDC | Dengue and COVID-19

[4] Bộ Y tế | Chăm sóc trẻ F0 tại nhà: Những điều đơn giản không phải cha mẹ nào cũng biết

[5] CDC | Dengue and COVID-19

[6] VNVC | SỐT XUẤT HUYẾT: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

[7] Bộ Y tế | Chăm sóc trẻ F0 tại nhà: Những điều đơn giản không phải cha mẹ nào cũng biết

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button